Xã Bàu Lâm có hơn 2.300 hộ dân/10.600 nhân khẩu, phần lớn sống bằng nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Theo bà Lê Thị Thanh Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm, xác định thiếu vốn, thiếu kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến cái nghèo, những năm qua, Hội LHPN xã đã tích cực vận động các hội viên mạnh dạn vay vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH tỉnh, đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cây, con giống, mở lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt nhằm giúp chị em chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến đầu năm 2021, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh cho hội viên vay thông qua Hội LHPN xã Bàu Lâm đã đạt 25 tỷ đồng. Có vốn trong tay cộng thêm kiến thức được học, nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Bàu Lâm từ 223 hộ nghèo năm 2016 xuống còn 41 hộ vào đầu năm 2021.
Trước đây, gia đình bà Lý Thị Hiền (tổ 7, ấp 1, xã Bàu Lâm) không có đất để sản xuất nên hàng ngày, vợ chồng bà phải đi làm thuê, làm mướn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Bàu Lâm, năm 2018, bà Hiền được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 40 triệu đồng để mua 2 con bò giống về nuôi. Sau hơn 2 năm, đàn bò của gia đình bà Hiền đã phát triển lên 7 con, cho gia đình bà nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.
Không riêng gì Hội LHPN xã Bàu Lâm, với mục tiêu giúp nhân dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã được triển khai hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như “Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái” của bà Nguyễn Thị Hậu (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân); “Tổ đổi công” của CCB Đỗ Cao Quý (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang).
Ngoài các ban, ngành, đoàn thể, việc xây dựng các mô hình học và làm theo Bác trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cũng đã nhận được sự đồng hành của các đơn vị lực lượng vũ trang bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, được nhân dân đánh giá cao như Ban CHQS huyện nhận đỡ đầu 7 HS nghèo hiếu học với số tiền 5 triệu đồng/HS/năm; Đồn Biên phòng Phước Thuận xây dựng 4 “Hũ gạo tiết kiệm”, trung bình mỗi năm tiết kiệm gần 100kg gạo để giúp người già neo đơn, khuyết tật…
Khơi dậy ý thức vì cộng đồng
Trước đây, trên địa bàn TT. Phước Bửu có nhiều tuyến đường, hẻm bị người dân vô ý vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Nhằm khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Đoàn Thanh niên TT. Phước Bửu đã triển khai công trình thanh niên “Vì môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. Theo đó, vào ngày chủ nhật hàng tuần, ĐVTN có mặt tại 7 tuyến đường ở 7 khu phố để phát quang cỏ dại, thu gom rác, xóa bảng quảng cáo, rao vặt trên các trụ điện, tường nhà dân..., đồng thời trực tiếp đến tận nhà, nhắc nhở, vận động từng hộ dân giữ gìn môi trường sống.
“Nhờ sự chung tay của các ĐVTN mà các tuyến đường trong khu phố luôn sạch sẽ, thông thoáng. Người dân thấy vậy cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung”, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, người dân KP.Phước An, TT.Phước Bửu nhận xét.
Không riêng gì Đoàn Thanh niên TT. Phước Bửu, các ban, ngành, đoàn thể và MTTQ huyện Xuyên Mộc còn quan tâm phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt mà đến nay, 100% khu phố, thôn, ấp đạt danh hiệu văn hóa, 7/13 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, 34.756 hộ gia đình văn hóa (đạt hơn 94%).
“Để việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền và MTTQ cần tiếp tục hướng về cơ sở để lắng nghe, phản hồi, đối thoại, đóng góp ý kiến, sáng kiến từ nhân dân để từ đó xây dựng nên những mô hình phù hợp, sát thực tế, gắn với quyền và lợi ích người dân”, ông Ngô Văn Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuyên Mộc nhấn mạnh.
(Nguồn: www.baobariavungtau.com.vn)